(DTO) - Người dân lâu nay quen gọi hai dãy núi thấp thuộc địa bàn phường Bửu Long (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là núi Bửu Long. Một ngọn núi tên Long Ẩn nằm trong khuôn viên khu du lịch danh thắng Bửu Long và một ngọn núi tên Bình Điện nằm ở bên ngoài.
< Một góc núi Bửu Long.
Người xưa ví con sông Đồng Nai chảy qua Biên Hòa là con rồng ẩn. Đầu rồng là núi Long Ẩn và miệng rồng ngậm một hòn ngọc châu, đó là núi Bình Điện nên Bửu Long là vùng địa linh, còn ẩn chứa câu chuyện tâm linh dân gian kỳ bí.
“Kỳ lạ” mộ hồ lô
< Ngôi mộ có hình dáng một chiếc hồ lô nằm trên đỉnh núi Bửu Long.
Nằm ở sườn đông của núi Bửu Long, có một ngôi chùa mang tên Long Sơn Thạch Động còn gọi là chùa Hang, bởi sơ khai chùa là một hang đá tự nhiên trên lưng chừng núi, ăn sâu vào một tảng đá lớn, miệng rộng 1.3 m nhỏ dần vào trong, dạng hàm ếch.
Theo lời kể lại của một người làm công quả trên núi thì năm 1928, có người thợ đá tên Mai Văn Huê (bảy Huê) ở dưới chân núi thấy cái hang đá có hình dáng lạ, bí ẩn, linh thiêng nên mang tượng Phật nhỏ và lư hương đặt trong hang.
< Tấm bia trước mộ hồ lô có ghi thông tin chủ nhân ngôi mộ.
Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, thợ đá bảy Huê leo lên núi thắp nhang, tụng kinh cầu mong sự an lành. Dần dần dân trong vùng phụ sức, phụ công với ông bảy Huê dựng thêm mái che tranh vách lá trước miệng hang và hình thành nên ngôi chùa gọi là Long Sơn Thạch Động hay chùa Hang.
Dulichgo
Không nhiều du khách khi tham quan, vãn cảnh chùa Hang lại để ý và biết được rằng phía sau khuôn viên của chánh điện chùa có phần đất nơi an nghỉ của các vị sư trụ trì, trong đó có một ngôi mộ xây theo kiểu cái bình “hồ lô” cao tầm 3 m, quét vôi màu trắng, nằm sát triền núi.
Theo lời đại đức Thích Huệ Minh, trụ trì chùa thì ngôi mộ này ở chùa quen gọi là “mộ bà Sáu”. Bà Sáu tức là sư cô Diệu Phước, người phát tâm xuất gia tu hành ở chùa Hang từ lúc nhỏ. Sư cô bệnh và qua đời ở tuổi 50 vào ngày 1-1-1975. Ngôi mộ do cố hòa thượng Thích Quảng Đạt (trụ trì chùa những năm trước 1975) xây dựng sau khi sư cô viên tịch.
< Vị trí mộ hồ lô nằm sát triền núi, quang cảnh thanh tịnh và bình yên.
Thầy trụ trì chùa Hang cũng không lý giải được vì sao ngày xưa cố hòa thượng Quảng Đạt lại cho xây một ngôi mộ theo mô hình của cái hồ lô mà không xây cất theo hình mộ tháp hay mộ bình thường. Hơn nữa, trên mộ hồ lô cũng không ghi lại dòng “sự tích” nào và những tài liệu lưu trữ trong chùa cũng không thấy nhắc đến.
Cái hồ lô theo quan niệm trong Phật giáo gọi bình nước cam lồ mà Phật bà Quan Âm cầm trên tay để cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Thầy trụ trì nhận định có thể trước khi lâm chung, sư cô Diệu Phước có để lại một ước nguyện là muốn nơi an nghỉ của mình nằm trên mảnh đất sát triền núi, nhìn ra khung cảnh hồ Long Ẩn mây nước hữu tình và mộ xây theo hình dáng bình nước cam lồ. Do đó, cố hòa thượng Quảng Đại (vốn là huynh trưởng của sư cô) thực hiện theo ý nguyện cuối cùng đó.
< Chùa Hang (Long Sơn Thạch Động) nằm trên núi Bửu Long đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích văn hóa lịch sử.
Dulichgo
Học giả, nhà nghiên cứu phật học Lý Việt Dũng xem bức ảnh chụp mộ hồ lô, ông cũng rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên thấy ngôi mộ dạng này. Ông cho rằng bên tu sĩ Phật giáo khi từ trần thường có hai cách an táng, một là thi hài thiêu cho vào hũ cốt đem thờ trong hậu chùa, hai mà chôn ở ngôi mộ có hình tháp cao ba tầng, gọi là “nhập bảo tháp”. Và lý do vị sư cô muốn an nghỉ trong mộ hình bình nước cam lồ thì lời lý giải của học giả Lý Việt Dũng cũng tương tự nhận định của đại đức Thích Huệ Minh.
“Bí ẩn” mả cây
Dưới chân núi Bửu Long, gần khu vực cổng sau của khu du lịch danh thắng Bửu Long nếu ai để ý sẽ nhìn thấy một ngôi mộ rất độc đáo và kỳ lạ. Người ta gọi là "mả cây", vì ngay chính giữa trên ngôi mộ có mọc lên một cây me tây cổ thụ rất lớn.
< “Mả cây” nằm dưới chân núi Bửu Long. Cây me tây cổ thụ mọc trên ngôi mộ nên được người dân gọi mộ cổ này là “mả cây”.
Quan sát ngôi mộ thì đây là mộ hình vuông, dựng bằng những thanh đá ong rất chắc chắn nhưng đã phủ lớp rêu phong, còn phía trước có tấm bia đá xanh. Gốc cây me tây dù phình to nhưng không phá vỡ được kết cấu của ngôi mộ. Do tấm bia ngôi mộ cổ đã mờ hết chữ nên không xác định được nhân thân cũng như niên đại "mả cây".
Một nhân viên bảo vệ trực cổng sau khu du lịch danh thắng Bửu Long cho biết ông là người địa phương và làm việc ở đây đã lâu. Ngay từ nhỏ ông đã gặp “mả cây” khi khu đất này chưa quy hoạch làm du lịch. Sau đó, khi xin về làm bảo vệ, ông cùng một số đồng nghiệp biết dưới gốc cây to lớn là mộ cổ nên thỉnh thoảng hương khói cho người đã khuất bớt lạnh lẽo.
< Tấm bia “mả cây” đã bị mờ mất chữ.
Còn theo lời ông Diệp Minh Thành, người đang canh giữ ngôi miếu Bà Thánh gần đó, cho biết khu đất rộng hàng ngàn hecta này ngày xưa chính khu nghĩa trang Sùng Chính của người Hoa (Hẹ), một bộ phận trong số 3.000 người Hoa di tản sang Việt Nam vào những năm 1679 dưới thời danh tướng tổng binh nhà Minh Trần Thượng Xuyên (1655-1720).
Dulichgo
Sau năm 1975, Nhà nước có chủ trương quy hoạch khu đất này thành khu du lịch nên nghĩa trang đã bị giải tỏa trắng và hàng ngàn ngôi mộ chôn từ bao đời bị cất bốc và di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, vẫn có những ngôi mộ cổ có kết cấu vững chắc xây bằng đá ong hay đá xanh không thể di dời nên người ta mới giữ nguyên. “Mả cây” là một trong những ngôi mộ còn sót lại được đến hôm nay là như thế.
Như vậy, với ngôi mộ hình hô lô (bình nước cam lồ) nằm trên đỉnh núi và “mả cây” ngay dưới chân núi Bửu Long đã trở thành những “điểm nhấn” độc đáo cho du khách đến Khu du lịch danh thắng Bửu Long (đã được xếp hạng danh thắng cấp quốc gia năm 1990) để tham quan tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử và những tàn tích của người xưa khi khai sơn lập nghiệp ở mảnh đất địa linh này.
Theo Bùi Trường Trí (Báo Dân Trí)
Du lịch, GO!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment