(VNE) - Từ vùng đất hoang sơ, Thảo Cầm Viên Sài Gòn trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại 150 năm với nhiều dấu tích lịch sử và là một trong 10 vườn thú lâu đời của thế giới.

< Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhìn từ trên cao.

5 năm sau khi chiếm Sài Gòn, ngày 23/3/1864, Đề đốc De La Grandière cho xây dựng Vườn Bách Thảo. Ông Louis Adolphe Germain, thú y sĩ của quân đội Pháp, được giao mở mang 12 hecta vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Một năm sau, vườn thú đã cơ bản được hình thành với một số chuồng trại.

< Từ một vùng đất hoang phía Đông Bắc rạch Thị Nghè, Vườn Bách Thảo với diện tích 12 ha được quy hoạch, xây làm nơi nuôi thú và ươm cây.

Nhận thấy tầm quan trọng của vườn thú lớn ở Viễn Đông, cuối tháng 3/1865, toàn quyền Đông Dương đã mời ông JB.Loius Pierre - phụ trách chăm sóc thực vật của vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ) sang làm giám đốc. Ông Pierre được giao nhiệm vụ sưu tập các loài thực vật, động vật của Nam Kỳ và 3 nước Đông Dương để chuyển về Viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Paris cũng như trồng dọc các trục lộ ở Sài Gòn. Đến cuối năm đó, Vườn Bách Thảo được mở rộng thêm 20 hecta.

< Thảo Cầm Viên những năm đầu khi mới được thành lập mang tên Vườn Bách Thảo.

Từ năm 1867, Vườn Bách Thảo được đặt dưới sự quản lý của Hội đồng thành phố Sài Gòn với kinh phí hoạt động 21.000 quan Pháp mỗi năm, do ngân sách thuộc địa cung cấp. Hai năm sau, kinh phí được tăng lên 30.000 quan Pháp. Tại thời điểm này, công viên có 509 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim và 45 loài bò sát...

< Bảo tàng lịch sử trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Dulichgo
Sang năm 1924, Vườn Bách Thảo sáp nhập thêm 13 hecta phía bờ bắc rạch Thị Nghè với tên gọi là Vườn Cognag; một cây cầu đúc được bắc qua rạch để nối liền hai khu vực hoàn thành năm 1927. Cũng trong năm đó, nhờ sự vận động của một viên chức Pháp tại Nhật, chính phủ Nhật đã cung cấp cho Vườn Bách Thảo khoảng 900 giống cây lạ. Sau năm 1954 Thảo Cầm Viên chỉ còn bên mặt này của sông Thị Nghè còn khu bên kia lấp dần nhà cửa và chợ Thị Nghè.

< Khu chuồng voi trong Vườn Bách Thảo thời Pháp thuộc.

Từ năm 1956, Vườn Bách thảo được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn đến nay. Năm 1984, nơi đây được nâng cấp với nhiều hạng mục mới như: kè đá dọc kênh Thị Nghè, cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống dây điện trần, trải nhựa và bêtông đường nội bộ, xây dựng tường rào dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm...

< Từ năm 1956, Vườn Bách Thảo được Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Thảo Cầm Viên.

Đến năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp với đời sống của từng loài thú, đã nâng tổng diện tích chuồng thú sau năm 1975 từ 8.500 m2 lên đến năm 2.000 là 25.000 m2. Chương trình trao đổi động vật với các vườn thú đã làm cho bộ sưu tập động vật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn thêm phong phú. Nhiều loài động vật mới lạ xuất hiện tại Việt Nam như: hà mã, hà mã lùn, báo Nam Mỹ, đà điểu châu Phi, hồng hạc, đười ươi, hươu cao cổ...

< Bảo tàng lịch sử trong Thảo Cầm Viên thập niên 60.
Dulichgo
Thảo Cầm Viên được xem như viện bảo tàng sinh vật học với cả nghìn loại động thực vật Việt Nam và thế giới đang được nuôi trồng. Hiện nơi đây có bộ sưu tập khổng lồ khoảng 4.000 cây thuộc các loài thực vật và trên 600 cá thể động vật quý hiếm.

Không chỉ là nơi lưu giữ động thực vật, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có Đền thờ Hùng Vương. Ngôi đền được nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng cạnh cổng chính năm 1926 với tên gọi Đền Kỷ niệm để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong thế chiến thứ nhất.

< Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1966.

Từ năm 1954, đền được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương và thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác như: Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo... Sau năm 1975, đền được đổi thành Đền Hùng Vương và giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam - TP HCM quản lý. Bên phải Đền đặt một tượng voi đồng được cho là lớn nhất Việt Nam, nặng hơn 3 tấn, cách tạo hình và nét chạm khắc rất mỹ thuật...

< Cây cầu đúc nối liền hai bờ rạch Thị Nghè sau khi Thảo Cầm Viên được mở rộng sang bờ phía Bắc hoàn thành năm 1927.

Nằm đối diện với Đền Quốc Tổ Hùng Vương là Bảo tàng quốc gia Sài Gòn. Công trình được khánh thành năm 1929 mang tên Blanchard de la Brosse trưng bày gần 3.000 cổ vật. Đến năm 1956, nơi đây được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên thành Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.

< Thảo Cầm Viên là nơi tham quan, vui chơi của nhiều người, đặc biệt là các em thiếu nhi.

Sau ngày đất nước thống nhất, Bảo tàng được chính quyền cách mạng tiếp thu nguyên vẹn và năm 1979 được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TP HCM. Về sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP HCM cho đến nay và là nơi bảo tồn, trưng bày hàng chục nghìn hiện vật quý được sưu tầm trong và ngoài nước.

< Thảo Cầm Viên vẫn được người Sài Gòn gọi bằng cái tên thân thuộc hơn - Sở thú.
Dulichgo
Với lịch sử 150 năm hình thành và phát triển, có thể nói ông Louis Pierre (1833-1905) là người có công lớn trong việc xây dựng, mở rộng Vườn Bách Thảo. Là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp, nhờ ông nhiều cây rừng tự nhiên được tồn tại, nhiều loài cây đại mộc nhiệt đới từ châu Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á được du nhập, một số cây ăn trái thuộc khu vực Đông Nam Á được ươm trồng, để từ đây cho ra đời những giống cây trái ngon.

< Khu chuồng khỉ trong Thảo Cầm Viên trước năm 1975.

Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ông Louis Pierre còn để lại một di sản quý giá là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản thực vật - đang được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới TP HCM và hàng nghìn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn...

Để ghi công ông, tháng 2/1933, Hội đồng khoa học Pháp cho xây một cột bia bằng đá hoa cương đặt sau khu vườn kiểng. Trên mặt cột bia, ghi lại câu nói của ông trước khi qua đời: "Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật, chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi".

< Qua bao thăng trầm của thời cuộc, Thảo Cầm  Viên vẫn tồn tại và "ôm" trong mình nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa độc đáo.

Năm 1994, nhân kỷ niệm 130 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cột bia đã được tôn tạo và đặt ngay trên trục đường chính, giữa Bảo tàng lịch sử và Đền thờ các vua Hùng. Lần này, cột bia có gắn thêm bức tượng bán thân bằng đá hoa cương màu hồng, tạc hình ông J.B. Louis Pierre.

< Sau 150 năm, hiện Thảo Cầm Viên vẫn là nơi hàng chục nghìn người đổ về tham quan, vui chơi mỗi dịp lễ, Tết.
Dulichgo
Theo các chuyên gia quy hoạch, TP HCM có rất ít công trình tồn tại và gắn bó như là một phần cơ thể sống của đô thị, đứng vững trong mọi thăng trầm lịch sử và thân quen với mọi tầng lớp nhân dân như Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đó là giá trị mà thành phố phải tiếp tục giữ gìn và phát triển để đây mãi là "báu vật xanh" không chỉ của riêng thành phố mà của cả Việt Nam.

TP HCM tổ chức kỷ niệm 150 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn (12/1865-12/2015) nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử, những thành tựu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đạt được trong hơn một thế kỷ qua.

< Tượng ông Louis Pierre được đặt ngay lối vào cổng chính của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Theo kế hoạch, lễ khai mạc triển lãm và Hội thảo kỷ niệm 150 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn diễn ra ngày 22/12 tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Riêng lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào hôm sau tại đây.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ tổ chức Hội thi văn nghệ, Hội thảo về cây xanh, Hội thảo 15 năm chương trình giáo dục vườn thú và bảo vệ môi trường.

Theo Trung Sơn (Vnexpress)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

 
Lên Đầu Trang