(BCT) - "Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh. Em thương anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo Miệt thứ về đây…".

Mỗi lần nghe bài "Em về Miệt thứ" là má tôi lại chảy nước mắt. Má nhớ cái thời ông bà ngoại "cù cưa" khi mà "chịu thằng rể, quý nhà sui" nhưng ngán ngẩm cái xứ xa lắc, xa lơ, buồn nẫu ruột. Rồi hơn nửa thế kỷ làm dâu Cạnh Đền, má bỗng thấy thương người và đất nơi này, như thương mấy cha con tôi vậy…

Tôi mê đọc Sơn Nam từ nhỏ. Má tôi lại có sở thích nghe tôi đọc sách khi má con nằm trên chiếc võng đươn bằng dây bình bát, mắc bên chái nhà. Mấy bữa tôi đọc cho má nghe truyện "Hai cõi U Minh", "Nhứt phá sơn lâm"… má chặc lưỡi: "Ông già viết hay quá!". Có lần tôi đọc cho má nghe truyện "Cô Út về rừng", má khóc. Má nói, má nhớ ông bà ngoại đã đi xa, nhớ cái thuở mới về làm dâu xứ Cạnh Đền này, nhớ cái thời ăn cơm phải giăng mùng vì muỗi…

Giờ đọc lại "Cô Út về rừng", tôi thấy cụ Sơn Nam viết sao đúng nỗi lòng người Cạnh Đền đến vậy. Truyện là cuộc trăn trở, suy tư của ông bà Cả Ba miệt Bình Thủy, Cần Thơ, muốn gả con gái Út cho cậu Quỳnh, người xứ Cạnh Đền. "Chịu thằng rể, quý nhà sui" nhưng bà Cả cứ lần lựa vì sợ cái xứ ấy phát run qua câu ca dao truyền tụng từ xưa:

"Xứ đâu như xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh"

Cảnh tượng ngôi nhà của cậu Quỳnh ở xứ Cạnh Đền khoảng năm 1930- 1940 được nhà văn Sơn Nam miêu tả trong truyện như vầy: "Căn nhà ngói vách ván, xung quanh có vườn tược lai rai (…). Và rừng xanh một dãy che phủ tứ phía chân trời". Bà Cả Ba lo lắng: "Ngặt cái xứ đó kỳ quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm".
Dulichgo
Má tôi kể, bà ngoại cũng từng lần lựa như thế nhưng rồi thương con, ngoại tiễn má tôi lên chiếc ghe bầu rước dâu trong ràn rụa nước mắt. Bây giờ, lắm lúc tôi hỏi vui má rằng, làm dâu Cạnh Đền, má có tiếc đời con gái? "Tiếc gì tiếc, cha con bây là thứ má "có dư" sao hơn nửa thế kỷ dần xoay"- má xoa đầu tôi đáp.

***

Tôi lớn lên giữa cái mênh mông, bát ngát của xứ Cạnh Đền, giờ thuộc địa giới hành chính hai xã: Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận – Kiên Giang) và Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân – Bạc Liêu). Nhà tôi nép bên con kinh nhỏ, thuộc địa phận Bạc Liêu. Đó là một mái lá nhỏ chấp chới giữa cơ man ruộng đồng hoang hóa; năn bộp, năn kim ngập ngụa trong mặt nước váng phèn vàng lự. Ngày nắng, mùi phèn hăng hắc; ngày mưa phèn xì lên mặt đất chua lè; ngày này tháng nọ trôi qua bên mùi phèn, bên tiếng vịt kêu chiều… Cũng vì vậy mà xứ tôi còn được gọi là Đồng Chó ngáp.

Từ nhỏ, tôi đã thắc mắc sao gọi là xứ Cạnh Đền và ám ảnh lời bà Cả trong truyện "Cô Út về rừng": "Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm!". Cha tôi kể, xứ Cạnh Đền ai cũng biết giai thoại Nguyễn Ánh bôn tẩu ở xứ này cuối thế kỷ 18. Bấy giờ, trong nhóm người tùy tùng cùng Nguyễn Ánh có công chúa Ngọc Hạnh. Vốn thân liễu yếu đào tơ, quen trướng kín, rèm thưa, chứ không quen phong sương mưa nắng nên Ngọc Hạnh công chúa lâm bệnh, qua đời. Nguyễn Ánh vô cùng thương tiếc, chọn xứ này làm nơi gửi thân ái nữ, cho xây một ngôi đền cạnh mộ. Địa danh Cạnh Đền được lưu truyền từ đó.

Cái tên Cạnh Đền thật đẹp, ấy là "cạnh ngôi đền của Ngọc Hạnh công chúa", vậy mà bà Cả Ba lại nói "dị hợm". Cha tôi cười, cụ Sơn Nam nói có cái lý của ông. Vùng Cạnh Đền hơn nửa thế kỷ trước không thể tả nổi cảnh khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Từ xứ Cạnh Đền này, những chuyện theo "phong cách bác Ba Phi" được lan truyền. Đó là chuyện hai người đàn ông từ phương xa đến xứ này thì trời tối, đậu xuồng nán lại qua đêm. Buổi chiều, hai người luộc hột vịt ăn cơm. Vừa lột hai hột vịt định giằm nước mắm thì hai ông la oai oải: "Ngộ đời, mới bỏ hột vịt xuống, tự nhiên mất tiêu". Nhìn lại, trong tô chỉ còn… hai cục đất! Nhìn kỹ mới biết, hai hột vịt đã bị muỗi bu kín. Bởi vậy, chuyện giăng mùng để… ăn cơm, muỗi "bự bằng con gà mái" là những giai thoại một thời nói đến sự xa xăm, gian nan của Cạnh Đền.

Cha tôi kể chuyện vui, thời cha còn trẻ, thường nghe mọi người kháo nhau tiếu lâm rằng: Dân Cạnh Đền "đẻ sai" nhất nước! Bà con quê tôi lý giải rằng, Cạnh Đền xưa còn heo hút lắm, không có chỗ nơi giải trí như bây giờ. Hễ trời nhá nhem là lũ muỗi bay rợp trời, chỉ có nước "chui vô mùng cho đỡ muỗi"… Bởi vậy mà nhà văn Sơn Nam đã tả sự "đẻ sai" của cô Út trong "Cô Út lấy chồng" như vầy: "Đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng…". Rồi qua tâm tư của ông bà Cả Ba, nhà văn trần tình: "Ông Cả bà Cả mới hiểu thêm một sự bí mật quan trọng của tiếng "muỗi kêu như sáo thổi" ở Cạnh Đền. Nó làm hại sức khỏe con người. Nhưng nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi". Cơ hồ nghĩ lại, người ta đồn chưa hẳn đã sai, ở xứ tôi chuyện những người có tên Út Mười Một, Út Mười Bốn, thậm chí Út Hết, Út Ráng, Út Chót… mà…cũng còn em!
Dulichgo
Đỉa Cạnh Đền cũng là một trong những ám ảnh khi ai đó đến với xứ này. Tôi vẫn hay liên tưởng. Tô bánh canh mặn nấu với cá trê trắng, nước cốt dừa thật ngon. Nhưng cứ tưởng tượng "đỉa lềnh tựa bánh canh" lại thấy… ghê ghê. Má tôi kể, hồi xưa khi mới về làm dâu xứ lạ, mấy bà chị trong xóm kể với má chuyện này: Một cô dâu nọ mới về nhà chồng làm cá lóc dưới sàn lãn ở đầu bến. Rửa cá, cắt khúc tinh tươm, cô đem lên nấu canh chua. Lên bàn ăn, khứa cá đầu tiên nàng dâu gắp mời má chồng. Ai dè, có một con đỉa quắm chặt khứa cá không chịu buông. Cô dâu run lẩy bẩy trong khi mặt bà mẹ chồng tỉnh bơ: "Chuyện nhỏ xứ này mà con. Có đỉa ngọt canh!".

Ngoài Cạnh Đền, Đồng Chó Ngáp, xứ tôi còn có tên gọi khác là Xứ Độn trâu (thuật ngữ dân gian dùng chỉ những người giữ trâu mướn mùa nước nổi). Thuở nhỏ tôi vẫn thường chăn trâu, bắt cá ở Đồng Chó Ngáp. Chuyện đỉa đeo là chuyện thường với tôi nhưng cha tôi nói không có "lai nào" thời cha còn nhỏ, làm dân độn trâu. Mỗi lần xuống đìa trâu đầm để dắt trâu lên thì đỉa đeo chỉ có nước… lấy tay vuốt ống chân vì bắt không xuể. Đầm trâu là một đầm cạn xép nước. Ông bà xưa hay mắng những thằng cháu nhỏ là "quậy như trâu đầm" là vì sau thời gian cày bừa nắng nóng, trâu xuống đầm thỏa sức quậy tung. Nước sền sệt sình, hăng hắc mùi trâu ấy là nơi trú ngụ không thể lý tưởng hơn của đỉa. Đỉa Cạnh Đền trứ danh là vì vậy.

***

Cha tôi kể như rên xiết, những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, một công đất trồng lúa ở Cạnh Đền thu hoạch chừng 2 đến 3 giạ lúa, họa hoằn lắm mới được 5 giạ nhưng chỉ toàn lúa lửng do nhiễm phèn. Nhớ cái cảnh mót từng bông lúa teo héo, sậm đen, ai từng trải qua cũng phải chạnh lòng. Dường như không loại cây kinh tế nào sống được ở đây do phèn mặn, ngoại trừ dớn, choại và bình bát.
Dulichgo
Ở xứ Cạnh Đền có ấp Nhà Lầu- "rốn" của Cạnh Đền, nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, cách nhà tôi non chục cây số. Cha tôi kể, trước giải phóng, vùng Nhà Lầu nghèo nẫu ruột, nhà cửa lưa thưa, mái lá xác xơ. Ai đi ngang cũng cười mỉa: "Như vầy mà Nhà Lầu gì trời!". Họ đâu biết đó là khát khao, là ước vọng của dân xứ Cạnh Đền quê tôi. Bây giờ, thì chẳng ai còn dám cười mỉa bởi Nhà Lầu giờ toàn… nhà lầu. Đồng Chó Ngáp bây giờ là bạt ngàn vuông tôm, bạt ngàn lúa chín, bát ngát hương đời, sức sống trào dâng. Về quê đợt rồi, nghe cha tôi kể đầy khoái chí mà tôi cũng sướng rơn: "Xứ Nhà Lầu bây giờ có câu lạc bộ… tỉ phú, đã không!". Những tỉ phú gia ấy là dân cố cựu xứ Cạnh Đền, họ thổn thức với mùi phèn, vị mặn của đất quê hương, họ trăn trở với cái nghèo, cái đói của xứ sở. Và họ tìm đến con tôm như cứu cánh cuộc đời. Người không bỏ đất, đất nặng tình người- thứ tình cảm cố tri, thâm sâu giữa đất và người Cạnh Đền giờ đã bén duyên trên những vụ mùa tôm đầy ắp.

Khẽ khàng gỡ tay lưới mới giăng về, cha tôi liên tưởng chuyện xứ Cạnh Đền. Hồi xưa, người ta đồn xứ mình như huyền thoại: nào đỉa bánh canh, muỗi thổi sáo; nào ma làm đất, quỷ bắt người… Bây giờ, một huyền thoại mới đang được viết lại: đó là sự trở mình, thức giấc ở xứ Cạnh Đền. Quăng mớ cá chốt vô rọng, cha ngoái lại nhìn tôi nói: "À mà đâu phải huyền thoại, đâu phải mơ. Đó là thành quả của sự cần mẫn của bà con xứ mình đó chớ!". Tôi nhìn cha. Tôi tin, huyền thoại ấy có ông lão 65 tuổi đứng cạnh tôi chung sức…

Theo Đặng Duy Khôi (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!

0 comments:

Post a Comment

 
Lên Đầu Trang